“Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân” là câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi phát động Tết trồng cây lần đầu tiên năm 1959. Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua, tất cả địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đều tích cực tham gia phong trào Tết trồng cây.
Đoàn viên thanh niên trồng cây hưởng ứng Tết trồng cây tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng (năm 2024)
Tết trồng cây nay đã trở thành phong trào lan tỏa, là hoạt động thiết thực phát huy truyền thống và nét đẹp văn hóa của dân tộc về trồng, chăm sóc và bảo vệ tài nguyên rừng; tạo không khí thi đua lao động sản xuất sôi nổi trong các tổ chức cơ quan, đơn vị, các tầng lớp Nhân dân ngay từ những ngày đầu xuân năm mới; góp phần thực hiện mục tiêu Đề án “trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động. Cùng với đó nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, trồng cây và trồng rừng gắn liền với phát triển kinh tế – xã hội bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tỉnh Phú Thọ hiện có gần 169.000ha rừng, tỷ lệ che phủ đạt 39,7%. Năm 2024, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng các địa phương trong tỉnh đã chủ động khắc phục khó khăn, triển khai quyết liệt các giải pháp thực hiện kế hoạch trồng cây, rừng. Nhờ đó, diện tích trồng rừng tập trung ước đạt 9,4ha, đạt 102,7% kế hoạch đề ra; trồng 2.421,7 nghìn cây phân tán, đạt 101,3% kế hoạch. Cùng với đó, chú trọng thâm canh, trồng, chuyển hóa rừng cây gỗ lớn; hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Năm 2024, diện tích trồng rừng gỗ lớn đạt 2,26 nghìn ha, chuyển hóa rừng gỗ lớn 334,8ha; diện tích rừng cấp chứng chỉ rừng bền vững là 13,7 nghìn ha. Công tác tuần tra bảo vệ rừng, dự báo, cảnh báo phòng, chống cháy được tăng cường. Trên địa bàn tỉnh đã tổ chức trên 1 nghìn lượt tuần tra, kiểm tra rừng tại các địa bàn trọng điểm về bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng và 3 đợt phối hợp tuần tra bảo vệ rừng khu vực giáp ranh với tỉnh Sơn La và tỉnh Hòa Bình.
Hội viên phụ nữ thành phố Việt Trì trồng cây hưởng ứng Tết trồng cây tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng (năm 2024)
Năm 2025, ngành Lâm nghiệp tập trung chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện trồng rừng và mở rộng diện tích phát triển rừng sản xuất gỗ lớn; đẩy mạnh chăm sóc rừng trồng có thâm canh, rừng trồng gỗ lớn theo quy trình. Tăng cường quản lý, khai thác và sử dụng bền vững 3 loại rừng; quản lý bảo vệ, phòng chống cháy, chữa cháy rừng và thừa hành pháp luật về rừng, góp phần bảo vệ, phát huy giá trị môi trường sinh thái và giảm nhẹ thiên tai; nâng cao năng lực quản lý bảo vệ, phòng chống cháy, chữa cháy rừng; thực hiện có hiệu quả chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Hợp tác xã ươm giống cây Trạm Thản, xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh ươm cây các loại đảm bảo chất lượng cho mùa trồng rừng năm 2025
Một mùa xuân mới đã về, các địa phương, cơ quan đơn vị và Nhân dân trong tỉnh lại nô nức đón Tết trồng cây Xuân Ất Tỵ 2025. Để chuẩn bị tổ chức tốt phong trào Tết trồng cây và tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025” của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Ất Tỵ 2025. Trong đó, yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, trồng cây, bảo vệ rừng, gắn với phát triển kinh tế – xã hội; tạo phong trào mạnh mẽ và huy động được các tầng lớp Nhân dân, tổ chức, cơ quan, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang tích cực trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng. Tết trồng cây năm 2025 sẽ được thực hiện theo hướng thiết thực, nhằm hướng tới mục tiêu trồng mới ít nhất 910 nghìn cây phân tán, 810ha rừng tập trung.
Thu Hương