Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia – Nghề dệt Thổ cẩm truyền thống của người Mường huyện Tân Sơn

Tân Sơn là huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam tỉnh Phú Thọ với hơn 83% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó, dân tộc Mường chiếm 75,2% dân số toàn huyện. Đồng bào Mường huyện Tân Sơn còn lưu giữ kho tàng Di sản Văn hóa Phi vật thể đa dạng, phong phú, giàu bản sắc; trong đó, nghề dệt thổ cẩm đã góp phần làm nên bản sắc riêng của văn hóa xứ Mường.

Người Mường huyện Tân Sơn có truyền thống trồng bông, ươm tơ, dệt vải. Trong xã hội người Mường cổ truyền, những tấm vải thổ cẩm không chỉ gắn bó mật thiết với đời sống, là vật không thể thiếu trong dịp lễ trọng, việc hiếu, hỉ của người Mường mà còn là thước đo sự giàu có, ấm no, sung túc của các gia đình. Nghề dệt được coi như là một tiêu chuẩn đánh giá về khả năng lao động và vị trí của người phụ nữ. Người phụ nữ khéo tay dệt vải tạo nên những tấm thổ cẩm đẹp được đánh giá cao và được cộng đồng tôn trọng.

Theo tục lệ của người Mường, một cô gái đi làm dâu phải mang theo đủ chăn màn cho những người trong gia đình chồng, vừa thể hiện sự khéo léo, đảm đang, vừa tỏ tấm lòng thơm thảo. Vì thế, ngay từ khi lên 7, 8 tuổi, các bé gái đã được bà và mẹ dạy cách se chỉ, kéo sợi, quay sợi; 13, 14 tuổi tập tành ngồi dệt vải bên các khung cửi và 16 đã ngồi khung cửi thành thạo dệt thành những tấm thổ cẩm nhiều màu sắc để may chăn, đệm chuẩn bị cho việc lấy chồng.

Để làm ra được một tấm vải thổ cẩm, phải trải qua rất nhiều công đoạn và đều được làm thủ công từ đôi bàn tay cần mẫn, tỉ mỉ, khéo léo của người phụ nữ. Hằng năm, vào tháng 5 âm lịch, người dân bắt đầu thu hoạch bông. Múi bông sau khi được phơi khô dùng dụng cụ truyền thống để làm tơi mịn, kéo sợi, hồ sợi, se sợi… Bắt đầu từ tháng 10 âm lịch cho đến hết tháng Giêng, tranh thủ lúc nông nhàn, các bà các chị mang sợi dệt thành vải, tạo nên những tấm vải thổ cẩm lung linh sắc màu.

 

Nghề dệt thổ cẩm tại Tân Sơn được hình thành, phát triển từ lâu đời, không chỉ gắn bó mật thiết với đời sống thường nhật của người Mường huyện Tân Sơn mà còn chứa đựng và truyền tải những giá trị lịch sử, văn hóa đã được đúc kết, hình thành qua bao thế hệ người Mường. Vào những năm 60, 70, nghề dệt thổ cẩm ở đây phát triển rất mạnh. Gần như nhà nào cũng có một khung cửi, từ người già đến người trẻ, hầu như ai cũng biết dệt.

Hiện nay, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Mường huyện Tân Sơn đang được thực hành phổ biến tại làng nghề khu Chiềng xã Kim Thượng và Khu Vượng xã Xuân Đài. Trong đó xã Kim Thượng hiện có trên 50 hộ còn dệt thổ cẩm; khoảng trên 50 nghệ nhân độ tuổi từ 50 – 70 tuổi, nắm giữ bí quyết, kỹ năng thực hành và có thể truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho cộng đồng. Xã Xuân Đài có khoảng 173 hộ còn dệt thổ cẩm; còn khoảng trên 1000 người độ tuổi từ 30 – 65 tuổi biết dệt thổ cẩm; có 70 – 80 nghệ nhân độ tuổi từ 50 – 70. Những sản phẩm thổ cẩm vừa phục vụ nhu cầu sinh hoạt của mỗi gia đình, vừa cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống, vừa bảo lưu giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Tuy nhiên, trải qua nhiều thăng trầm, cùng với sự du nhập của văn hóa hiện đại, con gái Mường khi đi lấy chồng không nhất thiết phải mang theo đồ dùng do tự tay mình làm nữa nên nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở đây đã có thời gian bị mai một.

Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống điển hình của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, nghề dệt thổ cẩm của người Mường ở huyện Tân Sơn nói riêng, góp phần vào việc phát triển kinh tế địa phương, những năm qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân khôi phục, lưu giữ nghề. UBND huyện Tân Sơn đã chỉ đạo thực hiện công tác bảo tồn và phát triển một số loại hình văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, trong đó có nghề dệt thổ cẩm với mục tiêu vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tộc người, vừa mang lại lợi ích kinh tế – xã hội, gìn giữ những nét truyền thống của bản sắc văn hóa Mường, góp phần vào việc phát triển kinh tế địa phương.

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vi Mạnh Hùng và lãnh đạo Sở HTT&DL đã trao chứng nhận của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đưa Nghề dệt thổ cẩm người Mường xã Xuân Đài, Kim Thượng huyện Tân Sơn vào Danh mục di sản phi vật thể cấp quốc gia cho Đảng bộ, chính quyền và các nghệ nhân 2 xã Xuân Đài, Kim Thượng

Với những giá trị văn hóa tiêu biểu và nỗ lực vào cuộc quyết liệt, kịp thời của các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở cùng sự chung tay trách nhiệm người dân trên địa bàn, nghề dệt thổ cẩm người Mường tại các xã Xuân Đài, Kim Thượng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản phi vật thể cấp Quốc gia nghề thủ công truyền thống.

Để bảo tồn và phát huy giá trị nghề dệt thổ cẩm của người Mường ở huyện Tân Sơn, thời gian tới, huyện Tân Sơn sẽ tiếp tục lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ công tác đào tạo, tập huấn truyền nghề; cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là các sản phẩm đặc trưng; đồng thời, tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đặc biệt là xây dựng mô hình bảo tồn nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch của địa phương.

Trần Khắc Thăng – Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn