Nghị quyết số 55-NQ/TU về Đề án phát triển Chính quyền điện tử, hướng tới Chính quyền số tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030 được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành đã kịp thời định hướng, chỉ đạo các cấp chính quyền nhanh chóng tổ chức triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh trọng tâm và đạt kết quả nổi bật. Đến nay, đã có 5/6 mục tiêu của Nghị quyết số 55-NQ/TU đạt và vượt mục tiêu đến năm 2025; 1 mục tiêu đảm bảo tiến độ Nghị quyết đề ra.
Đoàn công tác thăm Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn (tháng 8/2024)
Xây dựng thể chế và nguồn nhân lực
Năm 2021 là năm đầu tỉnh Phú Thọ triển khai nhiệm vụ của giai đoạn 2021 – 2025 trong tình hình dịch bệnh COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp. Trong điều kiện đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã quyết liệt, chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh các văn bản cụ thể hóa nhiệm vụ của ngành tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Tháng 8/2021 Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TU về Đề án phát triển Chính quyền điện tử, hướng tới Chính quyền số tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030. Ngay sau đó, tháng 9/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2348/QĐ-UBND về Đề án phát triển Chính quyền điện tử, hướng tới Chính quyền số tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030. Tiếp đó là hàng loạt các văn bản của UBND tỉnh cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ, Tỉnh ủy về chuyển đổi số trên các lĩnh vực được ban hành như: Quyết định phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Phú Thọ, phiên bản 2.0, 3.0; Kế hoạch Phát triển hạ tầng số giai đoạn 2022 – 2025; Kế hoạch Nâng cao hoạt động dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2022 – 2025; Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; Kế hoạch xây dựng cơ sở dữ liệu số tỉnh Phú Thọ; Quyết định ban hành Bộ chỉ số đánh giá mức độ Chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước tỉnh Phú Thọ; Kế hoạch Chuyển đổi số tỉnh Phú Thọ hằng năm;… Các văn bản được ban hành kịp thời làm cơ sở quan trọng để các cấp, các ngành triển khai mục tiêu, nhiệm vụ về xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số trên địa bàn tỉnh.
Để công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TU được đồng thuận, thông suốt trong toàn hệ thống chính trị của tỉnh, Ban Chỉ đạo Xây dựng Chính quyền điện tử từ cấp tỉnh đến cấp huyện được thành lập (nay là Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số); trong đó, cấp tỉnh đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban; cấp huyện, đồng chí Chủ tịch UBND cấp huyện làm Trưởng ban. 100% cơ quan nhà nước của tỉnh đã bố trí cán bộ chuyên trách/phụ trách về công nghệ thông tin. 100% các xã, phường, thị trấn thành lập và duy trì hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng. Hàng vạn lượt cán bộ, công chức, viên chức, thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng được đào tạo, tập huấn phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các nền tảng số; cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến chuyển đổi số.
Những kết quả nổi bật
Xác định hạ tầng công nghệ thông tin và các nền tảng số có vai trò quyết định đối với sự thành công trong xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, UBND tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng: Hệ thống mạng diện rộng; hệ thống gửi nhận văn bản điện tử; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; hệ thống hội nghị trực tuyến; hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; Trung tâm điều hành thông minh; Trung tâm giám sát an toàn thông tin; Trung tâm dữ liệu số… Các hệ thống, nền tảng công nghệ hoạt động ổn định, liên tục, đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật và khai thác sử dụng của chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số. Các cơ sở dữ liệu quốc gia đảm bảo kết nối liên thông, chia sẻ và thống nhất từ trung ương tới địa phương. Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành được các cơ quan, đơn vị tích cực triển khai theo chỉ đạo của các bộ, ngành; từng bước đáp ứng yêu cầu khai thác và sử dụng trong các cơ quan nhà nước.
Người dân sử dụng Cổng Dịch vụ công của tỉnh để nộp hồ sơ thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh
Phú Thọ là một trong những tỉnh sớm hoàn thành mục tiêu 100% các cơ quan nhà nước của tỉnh triển khai gửi nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số thay thế hoàn toàn văn bản giấy (trừ văn bản mật theo quy định); tiết kiệm hàng chục tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh được triển khai đồng bộ 4 cấp từ trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã với hàng nghìn cuộc họp, hàng trăm nghìn lượt đại biểu tham gia. Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh triển khai đồng bộ đến 100% cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến huyện, xã; 100% báo cáo định kỳ theo quy định của Chính phủ, của tỉnh được thực hiện thông qua hệ thống.
Đến nay, 95% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện và 75% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 100% công tác báo cáo được thực hiện trên hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh, Quốc gia; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 81,71% hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến; tỷ lệ hồ sơ số hóa đạt 83,89%; tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử đạt 86,02%. Đã thực hiện cấp trên 1,3 triệu thẻ căn cước công dân; cấp 978.982 tài khoản định danh điện tử. Hoàn thành việc nhập dữ liệu hộ tịch trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tỷ lệ thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh đạt 87,5%. 100% cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện đã có cổng/trang thông tin điện tử; 177/225 xã, phường, thị trấn có trang thông tin điện tử cấp xã được tích hợp, liên kết trên cổng, trang thông tin điện tử cấp huyện.
Công tác an toàn an ninh thông tin được chú trọng, đảm bảo cho xây dựng chính quyền số bền vững. 100% cơ quan, đơn vị cấp sở, huyện, thành, thị đã thực hiện đánh giá, xác định cấp độ và phê duyệt cấp độ an toàn thông tin. Trung tâm Giám sát an toàn, an ninh mạng (SOC) của tỉnh đảm bảo duy trì, thực hiện giám sát, cảnh báo, theo dõi các nguy cơ tấn công vào các hệ thống thông tin của tỉnh. Hoàn thành triển khai giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh mạng theo mô hình 4 lớp theo yêu cầu của Chính phủ. Nhằm đảm bảo an toàn thông tin mạng trong gửi, nhận văn bản điện tử và chứng thực điện tử, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Ban cơ yếu Chính phủ cung cấp 8.861 chữ ký số chuyên dùng; trong đó có 763 chữ ký số cho các cơ quan, tổ chức, 7.384 chữ ký số cho cá nhân và 214 sim ký số cho lãnh đạo đơn vị.
Xác định hạ tầng số là nền tảng cho xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, tỉnh đã chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông đẩy mạnh đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng số. Trong đó cung cấp cáp quang băng rộng đến 100% cơ quan nhà nước của tỉnh; tỷ lệ hộ gia đình có cáp quang băng rộng ước đạt 76,8%; đầu tư nâng cấp, hoàn thiện 3.889 trạm BTS; thực hiện tắt sóng 2G, triển khai 47 trạm BTS 5G trên địa bàn thành phố Việt Trì và một số huyện, thành, thị. Phú Thọ nằm trong nhóm dẫn đầu về phát triển hạ tầng số trên cả nước (xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố vào năm 2023).
Thành phố Việt Trì triển khai thí điểm một số hạng mục đô thị thông minh, bao gồm: Trung tâm điều hành và một số phân hệ ứng dụng. Bước đầu khai thác hệ thống camera giám sát an ninh – môi trường – đô thị và hệ thống giám sát phát hiện vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Việt Trì. Hệ thống camera giám sát an ninh – đô thị trên địa bàn thành phố Việt Trì gồm 200 camera trên 91 điểm lắp đặt, trong đó có 04 camera thông minh.
Như vậy, Nghị quyết số 55-NQ/TU đã được triển khai toàn diện trên địa bàn tỉnh. Kết quả thực hiện Nghị quyết đã làm thay đổi căn bản lề lối, phương thức làm việc của các cấp chính quyền, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; giảm chi phí, tiết kiệm ngân sách, tăng hiệu lực quản lý nhà nước, đưa các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS đứng trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.
Năm 2025 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục tham mưu nâng cao chất lượng các chỉ tiêu Nghị quyết số 55-NQ/TU; tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TU đồng thời bám sát các định hướng chiến lược của Trung ương Đảng, Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XX, nhiệm kỳ 2025 – 2030 để tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết trong giai đoạn tiếp theo phù hợp với xu thế phát triển và tình hình thực tiễn tại địa phương. Từ đó hoàn thành xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số; góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh ngày càng phát triển./.
Đồng chí Lê Quang Thắng – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông