Người dân Cẩm Khê tích cực phòng trừ dịch bệnh, bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi

Sau Tết Nguyên đán là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường, nắng nóng, mưa ẩm xen kẽ làm đàn gia súc, gia cầm không kịp thích nghi, sức đề kháng giảm. Cộng với việc tái đàn vật nuôi và điều kiện vệ sinh không đảm bảo, sẽ là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, vi rút phát triển mạnh và gây bệnh cho đàn vật nuôi. Trong những ngày này, công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi đang được các địa phương và người dân trên địa bàn huyện Cẩm Khê tích cực triển khai, thực hiện.

 

Gia đình Anh Hà Văn Tuyến ở xã Phong Thịnh mỗi năm nuôi trên 500 con lợn thịt, lợn nái sinh sản và hơn 1000 con gà thả vườn. Từ nhiều năm nay, ngoài việc tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn vật nuôi, gia đình anh còn thực hiện nghiêm túc việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại theo định kỳ. Do nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc làm này sẽ góp phần đảm bảo an toàn cho đàn vật nên anh chấp hành đầy đủ và cũng tích cực tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi xung quanh cùng triển khai đồng loạt để đạt hiệu quả cao hơn. Anh chia sẻ “Mỗi năm gia đình nuôi một lượng lớn đàn lợn nên gia đình tôi thường xuyên giữ vệ sinh sạch sẽ chuồng trại và môi trường xung quanh, đặc biệt phun khử trùng theo định kỳ”

Gia đình anh Tuyến phun tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi

Hiện nay, toàn huyện Cẩm Khê có gần 20.000 con trâu, bò; trên 60.000 con lợn và hơn 2 triệu con gia cầm. Để thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Cẩm Khê triển khai đến các xã, thị trấn, các cơ sở, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm; cơ sở ấp nở gia cầm, thủy cầm; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; chợ buôn bán, khu tập kết, thu gom gia súc, gia cầm sống; khu vực công cộng, đường làng, ngõ xóm đều phải thực hiện vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng phòng, chống dịch bệnh. Chị Vũ Thị Ngọc Linh – Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Cẩm Khê cho biết thêm “Chúng tôi triển khai Kế hoạch đến các xã, thị trấn. Quá trình triển khai, các hộ dân ở các xã thị trấn đều đã thực hiện tốt để bảo vệ đàn vật nuôi”.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Cẩm Khê kiểm tra công tác phòng trừ dịch bệnh tại một hộ chăn nuôi xã Phong Thịnh

Việc thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi là một trong những biện pháp phòng bệnh hiệu quả, nhất là trong thời điểm giao mùa, dịch bệnh dễ phát sinh và lây lan như hiện nay. Vì vậy, cùng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, ngành chức năng, người dân cũng cần chủ động, tích cực trong việc vệ sinh, phun tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi, nhằm tiêu diệt mầm bệnh truyền nhiễm trong môi trường, đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi trên địa bàn.

Thực hiện: Mạnh Thuần