Cô gái đột quỵ ở tuổi 25, hai năm bỏ qua dấu hiệu cảnh báo

25 tuổi, T. đang chuẩn bị học thêm để theo đuổi đam mê nha khoa thì cơn đột quỵ ập đến, cướp đi sức khỏe và giấc mơ của cô, để lại bài học đắt giá về những dấu hiệu sớm không được chú ý.

Ngày kinh hoàng

N.B.T (quê Vĩnh Long, làm việc tại một nha khoa ở TPHCM) từng có tương lai rộng mở. Nhưng ở tuổi 25, một cơn đột quỵ đã khiến cuộc sống của cô thay đổi hoàn toàn. Hơn một năm sau tai biến, T. vẫn đang vật lộn để phục hồi, không khỏi tiếc nuối vì đã bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo từ sớm.

Ngày 9/4/2024, T. ngủ mãi không dậy. Chị dâu vào gọi thì phát hiện cô trợn trừng mắt, cơ thể bất động, không phản ứng khi gọi. Khi được dìu dậy, T. đi không vững, một chân lết trên sàn. Cô gái được người nhà được vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cấp cứu.

T. nhanh chóng được chụp CT sọ não và sử dụng thuốc tiêu huyết khối trong vòng chưa đầy 30 phút kể từ lúc nhập viện. Các bác sĩ kết luận nữ bệnh nhân có tổn thương hẹp nặng gốc động mạch cảnh trong trái và tắc hoàn toàn động mạch não giữa trái.

benh nhan dot quy.jpg
Mẹ T. kể lại những ngày con gái bị đột quỵ. Ảnh: Cẩm Lài. 

Bác sĩ chẩn đoán T. bị đột quỵ do tắc mạch máu não. Sau 5 ngày điều trị, cô được xuất viện nhưng liệt nửa người. Về quê phục hồi chức năng, đến tháng 5/2024, T. nhập Bệnh viện Đột quỵ Cần Thơ để đặt stent mạch máu nhưng tình trạng chỉ cải thiện phần nào.

Hiện T. đi lại được nhưng tay vẫn buông thõng, co rút, giọng nói khó khăn, chưa thể quay lại công việc.

Mẹ T. nghẹn ngào nhớ lại ngày con vào cấp cứu: “Bác sĩ nói huyết áp của con không đo được, tiên lượng rất xấu. May mắn là con được cứu sống”. Nhưng điều khiến bà mẹ này day dứt là những dấu hiệu cảnh báo từ hai năm trước đã bị gia đình bỏ qua.

Dấu hiệu cảnh báo bị xem nhẹ

Từ năm 2022, T. thường xuyên bị mờ mắt thoáng qua, nhất là khi ngủ dậy, kéo dài khoảng 30 giây rồi trở lại bình thường. Gia đình cho rằng cô bị cận thị. Trên da T. xuất hiện các vết bầm tím bất thường nhưng mọi người nghĩ đó là xuất huyết da thông thường. Chỉ khi cơn đột quỵ xảy ra, họ mới nhận ra đó là dấu hiệu của “cơn thiếu máu não thoáng qua” – tiền đề nguy hiểm dẫn đến đột quỵ.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM, đột quỵ còn được gọi là tai biến mạch máu não, xảy ra khi não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể khiến não bộ thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào. Trong vòng vài phút nếu không được cung cấp đủ máu các tế bào não sẽ bắt đầu chết.

Mỗi phút đột quỵ, bệnh nhân mất khoảng 2 triệu tế bào thần kinh. Một cơn đột quỵ kéo dài vài giờ có thể khiến não bộ của một người 25 tuổi tổn thương tương đương người ngoài 60 nếu không được can thiệp kịp thời.

Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ đột quỵ cao. Theo Hội Tim mạch Việt Nam, cứ 4 người trên 25 tuổi sẽ có 1 người đối mặt nguy cơ đột quỵ. Lối sống hiện đại của giới trẻ – dùng nhiều đồ ăn nhanh, hút thuốc, uống rượu bia, ít vận động, căng thẳng kéo dài – là nguyên nhân chính. Các yếu tố nguy cơ hàng đầu bao gồm cao huyết áp, hút thuốc, đường huyết cao, mỡ máu cao và béo phì.

Bác sĩ Thắng khuyến cáo, những người từng có dấu hiệu bất thường như chóng mặt, tê tay chân, nói khó, mờ mắt thoáng qua cần đi khám sớm để sàng lọc nguy cơ đột quỵ. Việc kiểm soát huyết áp, bỏ thuốc lá, ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn có thể giảm đáng kể nguy cơ. Phương pháp FAST (Face: mặt méo; Arm: tay yếu; Speech: nói khó; Time: gọi cấp cứu ngay) là cách đơn giản để nhận biết và xử trí kịp thời.

Câu chuyện của T. là hồi chuông cảnh tỉnh với những người trẻ đừng chủ quan với những dấu hiệu nhỏ. Một lần khám sức khỏe định kỳ có thể cứu cả một cuộc đời.