SKĐS – Loãng xương thường tiến triển âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng cho đến khi sức mạnh của xương suy giảm, dẫn đến tăng nguy cơ bị gãy xương.
Một số bài thuốc trị loãng xương
Bài 1: Quy bản 100g, vỏ trứng gà 100g, hai thứ rửa sạch, để ráo nước rồi sao giòn, nghiền thành bột mịn, đựng trong lọ kín dùng dần. Mỗi ngày ăn 2 lần, mỗi lần 5g, trộn thêm với một chút đường trắng.
Công dụng: Bài thuốc này đặc biệt tốt cho người có tuổi bị loãng xương hoặc xương gãy lâu liền. Quy bản (mai rùa) và vỏ trứng gà đều chứa rất nhiều canxi, riêng quy bản còn là một vị thuốc đông y có công dụng bổ thận âm, chuyên dùng để điều trị các chứng nhức xương, lưng đau gối mỏi, ho lâu ngày.
Bột chân cua bổ sung canxi chữa loãng xương.
Bài 2: Chân cua tươi 200g, rửa sạch, sao vàng, nghiền thành bột mịn, đựng trong lọ kín dùng dần, mỗi ngày uống 1 – 2 lần, mỗi lần 5g với nước cơm.
Công dụng: Theo dược học cổ truyền, cua vị mặn, tính lạnh, có công dụng thanh nhiệt, dưỡng cân hoạt huyết, thông kinh hoạt lạc. Nghiên cứu hiện đại cho thấy, cua là loại thực phẩm giàu canxi vào bậc nhất. Kinh nghiệm dân gian dùng bột chân cua đồng để chữa chứng bệnh ở xương, giảm đau khớp, bổ sung canxi chữa loãng xương.
Bài 3: Bột hải mã 500g, tinh hoàn trâu hoặc bò 500g, đan sâm 500g, hoàng kỳ 250g, a giao 250g, hạch đào nhân 250g (sấy khô tán bột), đường phèn 250g. Đem hoàng kỳ và đan sâm sắc kỹ 3 lần, lấy nước bỏ bã rồi cho tinh hoàn trâu bò đã rửa sạch thái lát vào hầm nhỏ lửa cho thật nhừ. Tiếp đó cho a giao đã đun chảy bằng rượu, đường phèn, bột hải mã vào cô đặc thành cao. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 thìa canh.
Công dụng: Bổ thận tráng dương, cường gân kiện cốt, dùng rất tốt cho những người có tuổi bị thiếu canxi, loãng xương.