GDVN – Ông Trịnh Thế Truyền giữ chức vụ Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ sau khi hợp nhất 3 tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc.
Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết số 202/2025/QH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Theo đó, sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 3 tỉnh: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Phú Thọ.
Sau khi sắp xếp, tỉnh Phú Thọ có diện tích tự nhiên là 9.361,38 km2, quy mô dân số là 4.022.638 người. Tỉnh Phú Thọ giáp các tỉnh Lào Cai, Ninh Bình, Sơn La, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Tuyên Quang và thành phố Hà Nội. [1]
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ đã tổ chức hội nghị công bố các quyết định về tổ chức bộ máy và công tác cán bộ. Theo đó, phân công, bổ nhiệm ông Trịnh Thế Truyền giữ chức vụ Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. [2]
Được biết, ông Trịnh Thế Truyền sinh năm 1972, có học vị Tiến sĩ. Trước khi giữ chức Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ (mới), ông đã đảm nhận các chức vụ công tác như: Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ (cũ), Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Giám đốc Sở Nội vụ.
Ngoài ra, ông Nguyễn Phú Sơn (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc cũ) và ông Nguyễn Ngọc Điệp (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hoà Bình cũ), giữ chức Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. [3]

Nỗ lực vượt khó, hoàn thành nhiều nhiệm vụ giáo dục vào đào tạo
Trước sáp nhập, ngành Giáo dục và Đào tạo cả 3 tỉnh Phú Thọ (cũ), Vĩnh Phúc (cũ), Hòa Bình (cũ) đều có những thành tích đáng ghi nhận. Đây sẽ là tiền đề để sau khi sáp nhập, công tác giáo dục và đào tạo sẽ ngày càng phát triển.
Năm học 2024 – 2025, toàn tỉnh Phú Thọ (cũ) có 891 trường học, trong đó 45 trường ngoài công lập. Cơ sở vật chất, cảnh quan môi trường sư phạm tiếp tục được quan tâm đầu tư ngày càng khang trang, hiện đại; đáp ứng tốt hơn yêu cầu tổ chức dạy và học. Tỷ lệ phòng học kiên cố toàn tỉnh đạt 96,6%; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia là 94,16%, tăng 2 trường so với năm 2024.
Công tác phát triển, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục được chú trọng, cơ bản bảo đảm số lượng, cơ cấu và chất lượng đáp ứng việc dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục.
Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn tiếp tục được khẳng định với nhiều kết quả tích cực. Tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12, Phú Thọ đoạt 78 giải (1 giải Nhất, 19 giải Nhì, 32 giải Ba, 26 giải Khuyến khích); năm 2024 là năm thứ 4 liên tiếp Phú Thọ duy trì vị trí thứ 8/63 tỉnh, thành phố về kết quả Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 99,93%.
Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được duy trì ổn định. Chất lượng giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục dân tộc tiếp tục được cải thiện. Các phong trào thi đua, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được quan tâm thực hiện. [4]
Đối với ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc (cũ), toàn tỉnh hiện có 392/487 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỉ lệ 80,5% vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.
Quy mô đội ngũ từng bước tăng về số lượng, bảo đảm về chất lượng và ngày càng đồng bộ về cơ cấu; với tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo 97,93%.
Giai đoạn 2020 – 2025, chất lượng giáo dục Vĩnh Phúc luôn nằm trong tốp đầu cả nước. Trong đó, 2 năm học liên tiếp 2023 – 2024 và 2024 – 2025, địa phương xếp thứ Nhất toàn quốc về điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông; 100% học sinh đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông.
Vĩnh Phúc giữ vững vị trí tốp đầu cả nước về số lượng và chất lượng giáo dục mũi nhọn, nhiều năm liên tục đạt thứ hạng cao trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và khu vực; có nhiều học sinh đạt Thủ khoa, Á khoa toàn quốc trong các kỳ thi tuyển sinh đại học hằng năm.
Toàn tỉnh có 399 giải học sinh giỏi quốc gia các môn văn hóa, 06 giải quốc tế và khu vực. Trong hoạt động sáng kiến, nghiên cứu khoa học, ngành công nhận 3.047 sáng kiến cấp ngành và 261 sáng kiến cấp tỉnh cùng nhiều sáng kiến được triển khai nhân rộng…
Với những nỗ lực đó, 5 năm qua, nhiều tập thể, cá nhân của ngành Giáo dục và Đào tạo đã được Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành ghi nhận thành tích và khen thưởng: 26 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú; 23 tập thể được tặng Cờ thi đua của Chính phủ; 3 tập thể được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì; 01 tập thể và 3 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều phần thưởng của Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương. [5]
Ngoài ra, theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719, trong 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2024, công tác đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyển đổi số giáo dục phục vụ việc giảng dạy và học tập trực tuyến cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn được các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm.
Hiện nay, trang thiết bị dạy và học của các trường trên địa bàn tỉnh nói chung và các trường có học sinh ở bán trú vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng cơ bản đã được đầu tư hoàn thiện, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục, hầu hết các trường đã đạt chuẩn theo quy định. [6]

Về phía ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình (cũ), năm học 2024 – 2025, toàn ngành Giáo dục tỉnh Hòa Bình có 520 đơn vị, trường học.
Trong đó có 13 trường phổ thông dân tộc nội trú với 153 lớp, 4.487 học sinh; 4/13 trường phổ thông dân tộc nội trú đạt chuẩn quốc gia, đạt 30,7% (hiện có 5 trường phổ thông dân tộc nội trú đã đạt chuẩn giai đoạn trước đang trong quá trình xây dựng, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo các tiêu chuẩn, tiêu chí để công nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục và đạt chuẩn quốc gia).
Toàn tỉnh có 11 trường phổ thông dân tộc bán trú với 3.341 học sinh; 4/11 trường phổ thông dân tộc bán trú trú đạt chuẩn quốc gia, đạt 36,4%. Những năm qua, công tác giáo dục vùng dân tộc thiểu số được quan tâm, có nhiều khởi sắc tích cực. [7]
Bên cạnh đó, toàn ngành đã tổ chức thành công kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông với tỷ lệ phân luồng học sinh sau trung học cơ sở đạt 76,28%. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 trên địa bàn tỉnh được ghi nhận thành công, công tác coi thi nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế. Tại các điểm thi không có trường hợp cán bộ, thí sinh vi phạm quy chế bị khiến trách, cảnh cáo hoặc đình chỉ. [8]
Chất lượng giáo dục mũi nhọn và thể chất cũng được nâng cao, tại Kỳ thi học sinh giỏi các trường Trung học phổ thông chuyên khu vực duyên hải và đồng bằng Bắc Bộ lần thứ XVI, năm 2025, học sinh tỉnh Hòa Bình giành 50 giải, gồm 2 giải nhất, 9 giải nhì, 4 giải ba và 35 giải khuyến khích.
Ở Giải thể thao học sinh phổ thông toàn quốc năm 2025 tổ chức tại thành phố Huế, đoàn Hòa Bình đoạt 1 huy chương vàng, 3 huy chương bạc, 1 huy chương đồng. [9]
Tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông năm học 2024 – 2025, tỉnh Hoà Bình có 77 thí sinh tham dự, trong đó có 41 học sinh đoạt giải, chiếm 53,2% số thí sinh dự thi, bao gồm 40 học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Hoàng Văn Thụ và 1 học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú trung học phổ thông tỉnh Hòa Bình. [10]
Những thách thức về giáo dục và đào tạo
Bên cạnh những thành tích nổi bật, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ (cũ), Vĩnh Phúc (cũ) và Hòa Bình (cũ) cũng phải đối diện khó khăn.
Tại hội nghị tổng kết năm học 2024 – 2025 và biểu dương, khen thưởng điển hình tiên tiến giai đoạn 2020 – 2025 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ (cũ), lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu rà soát, đánh giá thực trạng quy mô học sinh, giáo viên, trường, lớp… của cả 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ mới sau sáp nhập) để xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục, đội ngũ giáo viên đáp ứng nhu cầu học tập gắn với xu hướng dịch chuyển dân số.
Trước mắt là chuẩn bị chu đáo các điều kiện cần thiết để triển khai nhiệm vụ năm học 2025 – 2026, nhất là bám sát chủ trương, chỉ đạo của Trung ương để kịp thời tổ chức triển khai thực hiện chính sách miễn học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các trường công lập; chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh các trường dân lập, tư thục. [4]
Về phía ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc cũ còn tồn tại, khó khăn về cơ chế chính sách; cơ sở vật chất của một số cơ sở giáo dục đang xuống cấp, trường, lớp chưa được đầu tư đồng bộ; thiếu nhiều giáo viên theo định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; thiếu thiết bị dạy học; tỷ lệ trường ngoài công lập đạt thấp; tỷ lệ trường chưa đạt chuẩn quốc gia; chính sách đặc thù về đãi ngộ giáo viên… chưa tương xứng với chất lượng giáo dục đạt được và nguồn lực của địa phương. [11]

Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình (cũ) cũng đối mặt với không ít thách thức. Kinh tế tỉnh Hòa Bình ngày càng phát triển, tuy nhiên, đời sống của đa số nhân dân còn thấp, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vì thế việc quan tâm đến sự nghiệp giáo dục còn hạn chế.
Công tác xã hội hóa giáo dục còn gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu của các cơ sở giáo dục. Các chế độ, chính sách đối với giáo viên mầm non còn bất cập, chưa tương ứng với giáo viên các bậc học khác; Đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại một số nhà trường thiếu hụt, đặc biệt là tại các trường học ở những khu vực khó khăn… [12]
Sau sáp nhập, bên cạnh những nguồn lực đã có để thúc đẩy công tác dạy và học, những thách thức về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, vấn đề xã hội hóa, tình trạng thiếu giáo viên… cần được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ quan tâm.