Không nổi tiếng như làng chài Nhơn Lý, Bãi Xép, Hải Minh hay Nhơn Hải (Gia Lai) nhưng đây là nơi du khách có thể tìm kiếm sự bình yên, cảm nhận nhịp sống chậm rãi, hòa mình vào biển xanh, cát trắng và gặp gỡ người dân thân thiện.
Làng chài Trung Lương nằm ở một vùng ven biển thuộc xã Cát Tiến, tỉnh Gia Lai (trước là thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), cách trung tâm thành phố Quy Nhơn cũ khoảng 30km.
Gia đình anh Nguyễn Hồng Nhật (35 tuổi, kiến trúc sư, Hà Nội) vừa ghé thăm làng chài Trung Lương 2 ngày 1 đêm trong hành trình xuyên Việt. Đây là lần thứ 3, gia đình này tới Trung Lương.
“Năm 2023, vợ chồng tôi thực hiện một chuyến xuyên Việt. Trên đường về, chúng tôi dùng Google để tìm kiếm một điểm nghỉ ngơi bất kỳ. Tình cờ, ứng dụng gợi ý về homestay ở làng chài Trung Lương.
Tới ngôi làng, chúng tôi bất ngờ vì vẻ đẹp yên bình, giản dị, những ngôi nhà trang trí theo cùng tông màu trắng – xanh, những bức tường, cổng chào, biển hiệu homestay đều mộc mạc, tự nhiên”, anh Nhật kể.

Trước đây, người dân ở làng chài này gắn với nghề đánh bắt gần bờ bằng thuyền thúng. Ngày nay, nhiều gia đình chuyển sang làm dịch vụ du lịch nhưng vẫn giữ được sự mộc mạc, chân chất và hào sảng của người vùng biển.
Bãi biển ở đây rất thoải, bờ cát trắng và nước trong, xanh, phù hợp với cả gia đình có trẻ nhỏ. Từ bãi biển có thể nhìn thấy cánh đồng điện gió, tạo nên góc check-in đẹp mắt.
“Bãi biển nơi đây đúng là thiên đường của ‘khối nghỉ hè’. Các bạn ấy có thể nô đùa từ sáng sớm tới trưa mà không chán. Khi nào mệt thì về sân của homestay ngồi nghỉ dưới bóng cây bàng biển râm mát”, anh Nhật kể.
![]() |
![]() |

Trong 3 lần lưu trú tại làng chài Trung Lương, gia đình anh Nhật có 2 lần ở Má Năm homestay và 1 lần ghé Nhà Ba Cơm Má. Theo anh, mỗi homestay tại làng có một nét đẹp riêng, không lộng lẫy nhưng bình yên, mang tới cảm giác thư thả, gần gũi cho du khách. Homestay đều có điều hòa, chỗ nghỉ sạch sẽ, bếp để khách tự nấu ăn, không gian sân vườn xanh mát.
“Anh chị chủ homestay thường cho nhà tôi mượn xe đi chợ, tư vấn lịch trình khám phá khu vực xung quanh làng chài rất nhiệt tình. Chúng tôi đến một nơi nào đó vì cảnh đẹp nhưng quay lại vì con người. Làng chài Trung Lương là một nơi như thế”, anh Nhật chia sẻ.
![]() |
![]() |

Một hoạt động gia đình anh Nhật rất yêu thích là ghé chợ hải sản, cách làng chài khoảng 1km, thường mở sáng sớm và 15h-18h. Theo anh Nhật, khu chợ hiện nay nằm trong khu đô thị mới, đường xá thuận lợi, rộng rãi hơn nhưng có phần “mất nét thơ ngày xưa”.
Hải sản trong chợ tươi ngon, đa dạng với giá cả phải chăng như hàu 40.000 đồng/kg, càng cúm 50.000 đồng/kg, cua xanh 500.000 đồng/kg, ốc nhảy 50.000 đồng/kg.

Vợ chồng anh Nhật gợi ý những món ngon, dễ chế biến như cua xanh hấp bia, mực tươi hấp bia, cá hồng đỏ nướng than hoặc nướng giấy bạc để cuốn bánh tráng, chấm mắm nêm.
“Nhà tôi thường tránh ăn ốc vì sợ lạnh bụng dù ốc tại chợ rẻ, đa dạng. Lần này, tôi có mua mấy con cúm về nhưng có thể không biết chế biến nên chỉ ăn được vài cái càng. Người địa phương có nói, họ thường mua càng riêng về làm món nhậu chứ không mua nguyên con”, anh Nhật kể.
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |

Bữa sáng ở làng chài, du khách có thể thưởng thức các món bánh địa phương như bánh xèo tôm mực, bánh căn, ram cuốn “to như cổ tay”. Ở chợ chiều có nhiều món ăn vặt như sữa chua túi, chè đậu đen, thạch rong biển… với giá cũng rất rẻ.
“Ở đây, tôi chỉ cầm 50.000 đồng là cả nhà 4 người ăn sáng no kễnh bụng”, vợ chồng anh Nhật giới thiệu.

Làng chài Trung Lương không có những điểm check-in nổi tiếng nhưng lại mang chất thơ, là nơi để du khách trải nghiệm nhịp sống chậm rãi, tách biệt khỏi xô bồ, sôi động.
Nếu có thời gian dài hơn, du khách có thể kết hợp tham quan Thiền viện Thiên Hưng – nơi có Tượng Đức Thế tôn cao 69m, đường kính 52m; Eo Gió và làng chài Nhơn Lý.

Nếu đến đây vào dịp lễ hội cầu ngư – đã có thâm niên hơn 200 năm, diễn ra vào ngày 12/4 âm lịch hằng năm, du khách có thể chiêm ngưỡng cả làng biển rộn ràng như Tết.
Ảnh: Nguyễn Hồng Nhật