Cẩm Khê đẩy mạnh thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP

Triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên địa bàn huyện Cẩm Khê  đã khơi dậy tiềm năng, lợi thế địa phương, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

 

Minh Thắng là xã có diện tích đất đồi trồng sắn lớn của huyện, đồng thời cũng có diện tích mặt nước xen kẽ để thả cá khá phong phú; song trước đây, người dân chưa tận dụng hết các phụ phẩm từ cây sắn và cũng chưa phát huy thế mạnh về nuôi thả cá. Với mong muốn tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho chính mình, tháng 9 năm 2019, một số hội viên nông dân ở xã đã đứng ra thành lập Hợp tác xã Liên Gia Trang với 10 thành viên, các ngành nghề kinh doanh chính là: chế biến rau sắn nếp muối chua, làm cá thính truyền thống và nuôi ốc nhồi giống, ốc nhồi thương phẩm. Sau hơn 3 năm phát triển, các sản phẩm của Hợp tác xã phát triển trên sàn thương mại điện tử và được nhiều người biết đến.

Từ khi thành lập đến nay, theo mùa vụ, Hợp tác xã đã tập trung sản xuất, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại các gia đình xã viên và mua nguyên liệu của bà con trong xã. Mỗi ngày Hợp tác xã sản xuất trên 30 kg rau sắn tươi nguyên liệu; từ 5 – 10 kg cá thính; cung ứng rau sắn muối chua, cá thính, ốc nhồi  cho các nhà hàng và bà con trong và ngoài vùng. HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho trên 10 lao động tại địa phương với mức thu nhập ổn định khoảng 5 triệu đồng/tháng, cao hơn hẳn so với việc trồng lúa và cây hoa màu khác, nên các thành viên trong HTX rất yên tâm sản xuất. Năm 2021 sản phẩm rau sắn nếp muối chua của Hợp tác xã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Theo đà phát triển, sản phẩm rau sắn nếp muối chua được quảng bá trên sàn thương mại điện tử uy tín như Tiki, Shopee, Lazada, Sendo..VinMart, nhằm giúp khách hàng lựa chọn sản phẩm phù hợp với giá tốt nhất.

Mỗi ngày HTX Liên Gia Trang sản xuất trên 30 kg rau sắn tươi

Thực hiện Chương trình OCOP, UBND huyện đã chỉ đạo rà soát, kiểm tra thực trạng sản xuất, kinh doanh, khả năng phát triển sản phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; triển khai cho các chủ thể đăng ký tham gia… trên cơ sở đó để xây dựng kế hoạch, văn bản hướng dẫn, đôn đốc triển khai cụ thể theo từng năm. Đặc biệt, huyện triển khai, tổ chức thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn. Trong những năm qua, huyện Cẩm Khê đã thực hiện hỗ trợ kinh phí in bao bì, tem nhãn, trang bị máy móc, thiết bị cho các chủ thể tham gia tiêu chuẩn hóa sản phẩm OCOP, thúc đẩy liên kết sản xuất, kết nối tiêu thụ, trưng bày, giới thiệu sản phẩm…Tính đến nay, Cẩm Khê có 30 sản phẩm, nhóm sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 đến 4 sao. Các sản phẩm OCOP của huyện đã mở rộng thị trường tiêu thụ, có mặt tại nhiều siêu thị, cửa hàng lớn trong, ngoài tỉnh, được người tiêu dùng ưa chuộng, tin dùng. Nổi bật như: Trà Đá Hen (Đồng Lương), bánh chưng Đất Tổ (Hùng Việt), nem chua Phước Duyên (Phượng Vĩ), nón lá Sai Nga (thị trấn Cẩm Khê)…

Sản phẩm bánh chưng Đất Tổ bao bì mẫu mã đẹp, được người tiêu dùng lựa chọn

Năm 2025, huyện Cẩm Khê tiếp tục xây dựng thêm 5 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Để thực hiện tốt huyện tập trung vào các nhóm giải pháp chính là đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền thay đổi tư duy, nhận thức của người dân về tổ chức phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; tăng cường hỗ trợ các chủ thể; quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, xúc tiến thương mại; hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể phát triển sản phẩm, tiêu chuẩn hóa sản phẩm đủ điều kiện tham gia đánh giá, phân hạng OCOP. Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình hỗ trợ của tỉnh, huyện khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn; làm tốt công tác huy động nguồn lực từ cộng đồng, các HTX, doanh nghiệp để đầu tư phát triển sản xuất…

Có thể khẳng định, thông qua Chương trình OCOP đã phát triển sản phẩm tiềm năng thế mạnh địa phương, góp phần nâng giá trị từ nông nghiệp và phát triển theo hướng bền vững, qua đó giải quyết việc làm, tăng thu nhập phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

Thực hiện: Mạnh Thuần