Cô gái Phú Thọ mất tứ chi trong một tháng, được mẹ chăm như trẻ sơ sinh

Người mẹ Phú Thọ như sinh con ra một lần nữa nhưng lần này, hành trình làm mẹ của bà gian nan và nhiều nước mắt hơn.

‘Hồi sinh’ nhờ tình yêu của mẹ

Trần Thị Nga (SN 1995, quê Phú Thọ) vốn có tổ ấm hạnh phúc bên người chồng hiền lành, xốc vác và 2 đứa con ngoan (bé gái 10 tuổi, bé trai 7 tuổi). Chị lấy chồng cách nhà vỏn vẹn 1km, hàng ngày nếu muốn vẫn có thể chạy ù về xin mẹ bữa cơm.

Cuộc sống không quá dư dả nhưng bình yên, được sống gần người mình yêu thương khiến Nga mãn nguyện. Nhưng sự bình yên, hạnh phúc ấy đã bị phá vỡ vào những ngày cuối cùng của tháng 12/2024.

anh 1.jpg
Nga phải cắt bỏ tứ chi vì cơn bạo bệnh 

Trong lúc đi làm, Nga đột nhiên bị sốt. Nghĩ bị cúm, chị không đi khám mà chỉ mua thuốc uống như thông thường. Hôm sau, triệu chứng nặng hơn, chị thấy buồn nôn, người mệt mỏi không còn chút sức lực.

Chị đi khám thì bác sĩ chẩn đoán bị virut ăn vào cuống tim, viêm cơ tim. “Mọi thứ diễn ra nhanh như cơn lốc. Các chỉ số của tôi xuống thấp, tim ngừng đập, sốc tim… Bác sĩ phải chuyển tôi lên tuyến đầu để cấp cứu”, chị Nga cho biết.

“Tôi phải lắp đặt ECMO (phương pháp oxy hóa qua màng ngoài cơ thể), lọc máu hoàn toàn, các cơ quan, bộ phận ảnh hưởng nặng, suy đa tạng, máu không lưu thông được đến các đầu chi dẫn đến hoại tử, phải cắt bỏ tứ chi để giữ mạng sống”.

Mọi thứ diễn ra trong chưa đầy 1 tháng. Một ngày tỉnh dậy, Nga thấy cơ thể mình chẳng còn vẹn nguyên. Người thân đứng vây quanh, mắt ai cũng đỏ hoe. Riêng mẹ chị – bà Đồng Thị Thúy (50 tuổi) mắt sưng húp.

anh 2.jpg
Nga được mẹ chăm sóc tỉ mỉ từng chút một 

Kể từ ngày đó, cuộc sống của Nga phụ thuộc hoàn toàn vào mẹ ruột. Mẹ chồng chị mắc bệnh ung thư, bố chồng bị tai biến, chồng thì phải đi làm lo kinh tế, người duy nhất Nga có thể bám víu vào là mẹ ruột của mình.

Nga nhớ rõ, khi tỉnh dậy sau 7 ngày hôn mê lâm sàng, người đầu tiên chị nhìn thấy là mẹ đẻ. Câu nói đầu tiên được nghe là lời thủ thỉ: “Cố lên con nhé! Gia đình và mọi người chờ con bình phục để về với 2 con của con”.

2 tháng điều trị tại bệnh viện, Nga có mẹ kề cạnh ngày đêm. Thời gian đầu, chị phải ở trong phòng riêng, cách biệt với gia đình. Nhiều đêm, chị thấy mẹ không ngủ được, cứ đứng ngoài cửa kính nhìn con với ánh mắt đầy hy vọng.

Khi được xuống phòng điều trị, mọi hoạt động sinh hoạt cá nhân của Nga như đánh răng, đi vệ sinh, tắm rửa, ăn uống… đều do mẹ phụ trách. Cho đến giờ, gần nửa năm trôi qua, cuộc sống của Nga vẫn được vận hành như vậy.

“Sau khi xuất viện, tôi chuyển về ở hẳn với mẹ để được mẹ chăm sóc. Đôi khi, tôi thấy rất ngại vì 30 tuổi rồi vẫn phải để mẹ chăm lo như đứa trẻ. Nhưng mọi thứ nhanh và mới mẻ quá, tôi chưa học được cách tự chăm sóc bản thân”, Nga tâm sự.

anh 3.jpg
Bà Thúy chăm sóc con gái những ngày ở viện 

Nhờ tình yêu thương của mẹ, Nga đã “hồi sinh”. Chị thừa nhận, việc một người khỏe mạnh bình thường bỗng dưng lâm bệnh nặng, phải cắt bỏ tay chân trong vòng 1 tháng là cú sốc vô cùng lớn. Chị đã có lúc tuyệt vọng về cuộc đời.

Nhưng những đêm trắng của mẹ, những lúc mẹ bận rộn đến quên cả u sầu, những khi mẹ rơi nước mắt vì thấy con đau đớn, bỏ cơm, những câu nói khích lệ của mẹ đã níu Nga trở lại.

“Có một người mẹ vì mình như thế, không lý nào mình lại buông xuôi”, Nga nghĩ thế và vực dậy chính mình. “Nhờ mẹ, tôi như được sinh ra một lần nữa. Tôi biết ơn vì mẹ đã không từ bỏ để tôi có nơi níu vào”.

“Một lần nữa làm mẹ… trẻ con”

Gần 6 tháng qua, bà Thúy làm mẹ toàn thời gian. Từ khi con gái lâm bệnh, bà đã bỏ lại việc đồng áng, buôn bán hoa quả để có điều kiện chăm sóc con. Bà Thúy nói: “Tôi như sinh con, nuôi con một lần nữa nhưng lần này gian nan, vất vả hơn nhiều”.

anh 4.jpg
Bà Thúy là chỗ dựa vững vàng cho con gái 

Như chăm sóc một đứa trẻ sơ sinh, mỗi ngày của bà bắt đầu từ việc vệ sinh cá nhân cho con, đút con ăn sáng. Buổi trưa nấu cho con ăn, đút con ăn trưa, buổi chiều tắm rửa, vệ sinh cho con và nấu bữa tối cho cả gia đình.

Mọi hoạt động của Thúy dù là nhỏ nhất đều do bà Thúy đảm nhiệm. “Khi con còn nhỏ, cho ăn thế nào con ăn thế đó. Giờ thì khó hơn, con không muốn ăn là mình không ép được, mà thấy con bỏ bữa thì thương.

Người bị bệnh đôi khi khó chiều bởi họ vốn sẵn mệt nhọc trong người. Thành ra, chăm sóc người bệnh phải thật bao dung, kiên nhẫn”, bà Thúy nói.

Nhớ lại thời điểm con mới phát hiện bệnh, bà Thúy vẫn còn nguyên nỗi xúc động.

“Tôi nhớ, lúc đưa con đến viện, con bé vẫn nói chuyện với tôi. Vậy mà không lâu sau đó, nó đã nằm im trong phòng phẫu thuật. Cứ nghĩ đến việc mai này không được nhìn thấy con, nghe con nói nữa, tôi lại sợ hãi, nước mắt cứ thế chảy ra”, bà kể.

Khi biết con phải cắt bỏ tứ chi để giữ lại mạng sống. Bà Thúy đau thấu tâm can. Bà vừa thương con chịu đau đớn, vừa lo con không chịu nổi cú sốc này. Cuối cùng, bà quyết định, để vực dậy được con thì bản thân phải tự vực dậy trước.

“Cú sốc không chỉ của con bé mà của cả gia đình tôi, ai cũng bưng mặt khóc. Rồi tôi nghĩ, nếu không khí gia đình cứ u ám như vậy thì con bé biết sống thế nào. Vậy là tôi động viên cả nhà, phải vững vàng để làm chỗ dựa cho con”, bà tâm sự.

Bà xem đó là số mệnh của cuộc đời và việc của mình là phải lạc quan đối diện. Biết Nga thương con, bà thường lấy hai đứa trẻ ra để động viên con gái.

“Tôi bảo với con, dù mình khuyết chân, khuyết tay nhưng còn được sống để nhìn thấy con lớn khôn là còn may mắn. Còn tôi, chỉ cần thấy con ăn ngon, tinh thần phấn chấn là tôi vui rồi”, bà Thúy chia sẻ.