Giám đốc công ty sản xuất kem chống nắng giả Athena bị bắt khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng không rõ mức độ nguy hại của sản phẩm giả ra sao?
Mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Đường Văn Thiết, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Athena Việt Nam (Công ty Athena Việt Nam) về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.
Năm 2019, Athena Việt Nam được Đường Văn Thiết thành lập đồng thời đầu tư nhà xưởng, thuê nhân công để sản xuất mỹ phẩm bán ra thị trường. Trong danh mục sản phẩm của Athena Việt Nam, nổi bật nhất là kem chống nắng. Trên thị trường, kem chống nắng giả Athena có giá rẻ bằng một nửa so với các sản phẩm cùng loại.
Trên bao bì sản phẩm kem chống nắng của Athena thể hiện chỉ tiêu SPF 50+, tức sản phẩm có thể chống được 98% tia UVB.
Tuy nhiên, tại bản kết luận giám định số 4859 KL/KTHS, ngày 01/7/2025 của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an xác định, chỉ số SPF của mẫu kem chống nắng do Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Athena Việt Nam sản xuất chỉ đạt từ 4,2% – 26,6% so với chỉ số SPF ghi trên bao bì sản phẩm.
Căn cứ Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, ngày 26/8/2020 của Chính phủ, sản phẩm kem chống nắng có chỉ số SPF nhỏ hơn 70% như công bố ghi trên bao bì sản phẩm được xác định là hàng giả.

Chỉ số chống nắng thấp tăng nguy cơ lão hóa, ung thư da
TS.BS Phạm Thị Uyển Nhi, Trưởng Đơn vị thử nghiệm Lâm sàng (Bệnh viện Da Liễu TP HCM) cho biết, kem chống nắng là sản phẩm giúp hấp thụ tia tử ngoại có hại, tạo nên hàng rào bảo vệ da, ngăn ngừa những khó chịu của bỏng nắng (hồng ban, phù, đau, bọng nước, bong da), bảo vệ các tế bào da, giảm thiểu nguy cơ gây ung thư và lão hóa da…
Chỉ số SPF định lượng khả năng bảo vệ của kem chống nắng chống lại tia UVB. Chỉ số SPF tương ứng với % tia UVB được lọc. Nếu SPF là 2,4 thì % tia UVB được lọc là 53%. Tương tự SPF 15 là 93,3%; SPF 30 là 96,76%; SPF 50 là 98%.
Theo các khuyến cáo của Bộ Y tế và Hiệp Hội Da liễu Mỹ (AAD), kem chống nắng được khuyến cáo sử dụng có chỉ số SPF từ 30 trở lên để đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu, đặc biệt trong điều kiện tia UV cao như ở Việt Nam.
BS Nhi cho hay, loại kem chống nắng có chỉ số SPF thấp sẽ không đảm bảo cho việc chống nắng. Người dùng mua phải sản phẩm có SPF thấp, kém chất lượng có thể gây ra 4 tác hại:
Cháy nắng cấp tính: Gây đỏ, rát, phồng rộp da.
Tăng nguy cơ ung thư da: Bao gồm ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư tế bào vảy, ung thư tế bào hắc tố…
Lão hóa da sớm: Xuất hiện nếp nhăn, đốm nâu, rám má, da chùng nhão do tổn thương collagen và elastin.
Suy giảm miễn dịch tại chỗ: Tăng nguy cơ nhiễm trùng và tổn thương da.
ThS.DS Lê Quốc Thịnh, Giảng viên khoa Dược, Đại học Thành Đô cho biết, kem chống nắng ngoài tác dụng chống nắng, nó còn rất hữu ích trong việc phòng chống lão hóa, làm đẹp da. Ai cũng biết rằng ánh nắng mặt trời nếu tiếp xúc vào da sẽ gây hại cho làn da. Tia cực tím từ mặt trời sẽ ảnh hưởng trực tiếp và tác động dần dần lên làn da của chúng ta dù trời nắng hay mưa, trời lạnh hay nóng.
Các tia cực tím sẽ khiến da lão hóa sớm, gây ra các nếp nhăn, vết sạm trên da, làm da trở nên sậm màu thậm chí còn làm tăng nguy cơ ung thư da.
Để làn da không phải gánh chịu những tổn thương từ ánh nắng mặt trời hay các tác động có hại từ môi trường, các chuyên gia đều khuyên sử dụng kem chống nắng hàng ngày.
Theo nghiên cứu, những người dùng kem chống nắng sẽ hạn chế được 80% các vấn đề về lão hóa so với những người không dùng.
ThS.DS Thịnh, trong điều kiện tia UV cao như ở Việt Nam, bác sĩ khuyến cáo sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên và tốt nhất là 50. Như vậy, loại kem Athena của Đường Văn Thiết được ghi trên bao bì rất tốt (chỉ tiêu SPF 50+, tức sản phẩm có thể chống được 98% tia UVB) nhưng ở đây lại là hàng giả, chỉ số quá thấp là lừa người tiêu dùng.

Bôi kem chống nắng vẫn cần che chắn cho da
Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hào, Giám đốc Bệnh viện Da Liễu TP HCM, Việt Nam là quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của ánh nắng mặt trời với tia cực tím cường độ mạnh, nhiệt độ và độ ẩm không khí cao làm ảnh hưởng lớn đến quá trình lão hóa da cũng như gây các bệnh lý về da do ánh nắng, nên rất cần thực hiện các biện pháp bảo vệ da:
Tránh tiếp xúc ánh nắng mặt trời từ 10 – 16h vì khoảng thời gian này có chỉ số UVI cao nhất.
Khi ra nắng nên chọn quần áo dài tay, rộng rãi. Nên sử dụng loại trang phục có chất liệu như cotton, silk không nhuộm màu nhân tạo. Trang phục màu tối bảo vệ tốt hơn loại màu sáng. Tránh sử dụng các chất liệu như polyester crepe và cotton nhuộm màu nhân tạo vì dễ bị tia UV xuyên qua. Quần áo ẩm ướt sẽ mất đi 1/3 tính bảo vệ chống nắng.
Đeo khẩu trang, đội nón, nhất là những loại rộng vành để bảo vệ mặt, tai, gáy…
Thường xuyên sử dụng kính mát khi ra ngoài trời nắng nhằm phòng ngừa đục thủy tinh thể và bảo vệ vùng da quanh mắt.
Sử dụng chất chống nắng gồm thuốc bôi và viên uống chống nắng, có vai trò quan trọng làm giảm tác hại của ánh nắng mặt trời.

Về chọn lựa kem chống nắng, theo TS.BS Nguyễn Trọng Hào, nên chọn loại có chỉ số SPF từ 30 trở lên. Chọn loại kem chống nắng phổ rộng (Broad Spectrum), nghĩa là bảo vệ da khỏi tác hại của cả tia UVA và UVB.
Chọn loại kháng nước vì sẽ giữ tác dụng được lâu kể cả khi ra mồ hôi.
Chọn loại kem chống nắng phù hợp với loại da. Chọn các dạng bào chế tùy thuộc mục đích sử dụng: Dạng cream thích hợp cho da thường và da khô; Dạng gel thích hợp cho da thường, da nhờn; Dạng xịt (spray) sử dụng trên diện rộng; Dạng thỏi bảo vệ vùng môi…; Dạng bánh phấn nền trong trang điểm.
TS.BS Nguyễn Trọng Hào khuyên, nên sử dụng kem chống nắng mọi lúc khi ra ngoài tiếp xúc với ánh mặt trời trong hơn 20 phút, không chỉ vào những ngày nắng, nóng mà cả những ngày có mây.
Bôi kem chống nắng trước khi ra ngoài nắng. Thường cần khoảng 15 – 20 phút để hấp thu kem chống nắng và cho hiệu quả bảo vệ.
Sử dụng đủ lượng kem chống nắng, tránh bỏ sót những vùng cơ thể tiếp xúc ánh nắng.

Hạn chế của kem chống nắng
Sử dụng kem chống nắng đúng cách giúp ngăn ngừa các tác hại của tia cực tím lên da. Tuy nhiên, kem chống nắng cũng có một số hạn chế nhất định như sau:
– Khoảng 20% người sử dụng kem chống nắng bị tác dụng phụ, đa số là ngứa, rát ở vùng mặt, cổ và cảm giác cay ở mắt (có thể gặp sau khi bôi kem nhiều giờ, đặc biệt khi đổ mồ hôi). Có thể làm phát sinh hay nặng hơn mụn trứng cá.
– Không bôi đủ lượng kem cần thiết (2mg/cm2) vì lý do thẩm mỹ: gây bóng, nhờn, màu trắng đục…
– Phải bôi lặp lại sau mỗi 2-3 giờ.
– Chỉ bảo vệ được vùng da có bôi kem.