Năm 2024, ngành Nông nghiệp của tỉnh gặp nhiều khó khăn, do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết, thiên tai, đặc biệt là cơn bão số 3 Yagi. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, phấn đấu, ngành Nông nghiệp đã đạt nhiều kết quả tích cực, độ tăng trưởng vẫn cơ bản được duy trì, đạt kế hoạch đề ra là 3%.
Thu hoạch lúa vụ chiêm xuân ở xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao
Những kết quả đạt được
Tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp năm 2024 đạt 3%, đạt kế hoạch đề ra. Toàn ngành đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch; huyện Phù Ninh hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới; phê duyệt 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Lũy kế đến cuối năm 2024 có 141 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới mới nâng cao, kiểu mẫu; có 6 huyện đạt/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 39%, đạt 100% kế hoạch. Tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98,8%.
Năm 2024, cơ cấu cây trồng tiếp tục chuyển đổi, nhiều loại cây trồng chủ lực phát triển theo hướng sản xuất với quy mô lớn, có sự hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị; việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến như VietGAP, GlobalGAP được duy trì. Toàn tỉnh đã hình thành 445 vùng trồng trọt tập trung các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của tỉnh với diện tích 19,6 nghìn ha. Chú trọng thâm canh, trồng, chuyển hóa rừng cây gỗ lớn; hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Thiết lập, cấp và duy trì 482 mã số vùng trồng cho các sản phẩm chủ lực với tổng diện tích 7.436,95 nghìn ha; trong đó có 27 mã xuất khẩu với diện tích 664,31ha, nội tiêu có 455 mã với diện tích 6.772,64ha. Các cây trồng có giá trị kinh tế cao phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; hình thành một số vùng sản xuất rau, quả hàng hóa tập trung, liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.
Trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao
Trong lĩnh vực chăn nuôi, hết năm 2024 đàn lợn có 765,7 nghìn con, đạt 104,2% kế hoạch; đàn gia cầm 16 triệu con, đạt 102,6% kế hoạch; đàn trâu 53,7 nghìn con, đạt 97,6% kế hoạch; đàn bò 91,7 nghìn con, đạt 95,5% kế hoạch. Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 212,7 nghìn tấn, đạt 100,7%, góp phần cho tăng trưởng của toàn ngành Nông nghiệp.
Với lĩnh vực sản xuất thủy sản, ngành Nông nghiệp đã tập trung chỉ đạo đảm bảo nguồn giống phục vụ sản xuất, hướng dẫn người dân khôi phục nuôi trồng thủy sản, duy trì ổn định sau bão số 3. Năm 2024, diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 11,1 nghìn ha, đạt 102% kế hoạch; sản lượng ước đạt trên 46,7 nghìn tấn, đạt 104% kế hoạch.
Điểm nhấn trong “bức tranh” nông nghiệp là Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục đẩy mạnh thực hiện. Ước thực hiện hết năm 2024 toàn tỉnh có 308 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, tăng thêm 71 sản phẩm so với năm 2023; số đơn vị cấp xã có sản phẩm OCOP là 140 xã, tăng thêm 14 đơn vị so với năm 2023.
Cùng với đó, ngành Nông nghiệp tập trung chỉ đạo đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất với phương châm đi vào thực chất, hiệu quả hơn; chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, trang trại gắn với triển khai thực hiện các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 433 hợp tác xã đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; 123 chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn (chè, rau, bưởi, thịt lợn, thịt gà, nấm).
Năm 2025, phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng 3%
Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối tăng tốc, bứt phá về đích thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp giai đoạn 2026 – 2030.
Trên cơ sở đó, ngành Nông nghiệp tỉnh tới mục tiêu phấn đấu năm 2025 duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 3%. Quyết liệt trong chỉ đạo và tổ chức triển khai, hướng dẫn sản xuất đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại kế hoạch phát triển nông lâm nghiệp giai đoạn 2021 – 2025 và các kế hoạch chuyên ngành; duy trì tốc độ tăng trưởng và phát triển nông nghiệp bền vững gắn với nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới; cải thiện nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái.
Tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế; tập trung đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, tiếp tục thúc đẩy mở rộng quy mô, diện tích sản xuất tập trung, nâng cao giá trị, quan tâm thực hiện các hoạt động quảng bá, kết nối thị trường tiêu thụ đối với các cây trồng vật nuôi chủ lực, sản phẩm đặc trưng; chú trọng vào sản xuất an toàn, khuyến khích mở rộng mô hình nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn; chuyển đổi số vào hoạt động quản lý và sản xuất nông nghiệp.
Trong đó, một số chỉ tiêu chủ yếu của ngành trong năm 2025: Duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành đạt 3%/năm; huyện Phù Ninh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thêm 45 khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 20 khu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 38,8%; tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh 98,9%.
Để đạt được mục tiêu trên, ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tạo sự thống nhất về quan điểm chỉ đạo, tổ chức thực hiện trong toàn bộ hệ thống chính trị và người dân, góp phần thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, sang phát triển hàng hóa, nâng quy mô, giá trị, hiệu quả, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Tăng cường sự phối hợp, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Tập trung chỉ đạo thực hiện khâu đột phá về đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, trọng tâm là tạo điều kiện thuận lợi để phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã trở thành đầu mối liên kết với kinh tế hộ trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ; đổi mới công tác khuyến nông đáp ứng yêu cầu sản xuất và tái cơ cấu ngành. Tăng cường hợp tác, xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển thị trường nông sản. Tăng cường hoạt động đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp từ tỉnh đến cơ sở.
Thu Hương