Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3 (WIPHA), các địa phương trong tỉnh Phú Thọ đã chủ động triển khai đồng bộ các phương án phòng, chống thiên tai, đặc biệt chú trọng phương châm “4 tại chỗ”, nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Chiều 19/7, do ảnh hưởng của mưa lớn, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận thiệt hại ban đầu. Trước tình hình đó, chính quyền các cấp và các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã khẩn trương vào cuộc, tập trung hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, đồng thời triển khai kịp thời các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với diễn biến tiếp theo của bão.
Tại xã Xuân Đài, theo thống kê sơ bộ, tính đến 15h30 ngày 21/7, xã không ghi nhận thiệt hại về người. Tuy nhiên, thiên tai đã gây ảnh hưởng đến 2 hộ dân và một đoạn đường giao thông nông thôn.
Cụ thể, hộ ông Lê Văn Mơn, khu Tân Hồi bị tốc một phần mái nhà khung gỗ lợp lá; hộ ông Hà Văn Đanh (khu Tân Lập) bị tốc 45 tấm fibro xi măng, trong đó 38 tấm ở mái sân và 7 tấm mái nhà chính. Tại khu Xuân 1, một đoạn đường bê tông dài 16m, rộng khoảng 2,5m dẫn vào nhà văn hóa khu bị sạt lở với độ sâu khoảng 1,5cm, kèm theo một vết nứt dài 20m. Chính quyền địa phương đã khẩn trương căng dây, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, nghiêm cấm người dân qua lại khu vực sạt lở.
Hộ ông Hà Văn Đanh (khu Tân Lập) bị tốc 45 tấm fibro xi măng do ảnh hưởng của mưa lớn chiều 19/7.
Qua rà soát nhanh, một số diện tích lúa tại khu Dụ và khu Chiềng khoảng 2ha bị ngập úng tạm thời. Tuy nhiên, hiện nước đã rút, cây trồng không bị ảnh hưởng đến sinh trưởng.
Đồng chí Lê Quang Vinh – Phó chủ tịch UBND xã Xuân Đài cho biết: “Ngay khi có cảnh báo về thiên tai, UBND xã đã tuyên truyền đến người dân nâng cao ý thức chủ động phòng chống thiên tai, đặc biệt các hộ dân sinh sống ở những khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, lũ ống,… để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Đồng thời tiến hành căng dây, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, hạn chế đi lại qua các tràn; bố trí lực lượng trực tại các ngầm tràn để phân luồng giao thông, đảm bảo an toàn cho nhân dân. Theo dõi chặt chẽ tình hình mưa bão, ngập lụt, lũ quét, sạt lở để kịp thời triển khai các phương án”.
Không chỉ tại xã Xuân Đài, công tác ứng phó với bão số 3 cũng đang được các địa phương khác trong tỉnh tích cực triển khai với tinh thần khẩn trương, quyết liệt. Trong đó, tại những khu vực có địa hình đặc thù, nằm ven sông, giữa sông hoặc dễ bị chia cắt khi mưa lớn kéo dài, chính quyền và các lực lượng chức năng càng chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân di dời, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản.
Công an xã Cẩm Khê chủ động hỗ trợ người dân tại bãi bồi ứng phó với bão số 3.
Tại khu vực bãi bồi giữa sông Hồng thuộc khu Phú Động, xã Cẩm Khê hiện có khoảng 30 hộ dân đang sinh sống, canh tác và nuôi trồng thủy sản. Đây là khu vực tiềm ẩn nguy hiểm cao khi xảy ra mưa bão do nằm giữa lòng sông, giao thông cách trở và dễ bị chia cắt.
Chiều 20/7, Công an xã Cẩm Khê đã phối hợp với khu dân cư Phú Động và Tổ bảo vệ an ninh trật tự tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ dân tại đây khẩn trương di dời người, tài sản, gia súc, gia cầm về nơi an toàn. Bên cạnh việc hướng dẫn các biện pháp phòng tránh thiên tai, lực lượng công an còn trực tiếp hỗ trợ người dân vận chuyển đồ đạc vào bờ và trao tặng hơn 20 bộ áo phao để bà con thuận lợi di chuyển, đảm bảo an toàn tính mạng.
Trước sự hỗ trợ kịp thời và sát sao từ lực lượng chức năng, người dân khu Phú Động đã cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống thiên tai. Nhiều hộ dân đã chủ động thu hoạch sớm, di chuyển vật nuôi và dựng lán trại an toàn trên bờ.
Lãnh đạo xã Tân Sơn kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với mưa bão tại điểm cầu tràn khu Côm.
Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân trong thời điểm mưa bão, đặc biệt là tại các khu vực ven sông, bãi bồi, vùng trũng thấp, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, không chủ quan trước diễn biến của cơn bão số 3.
Các hộ dân sinh sống ven sông, có bè, đò hoặc phương tiện đường thủy cần chủ động di dời người và tài sản lên bờ, tránh xa những khu vực tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Đồng thời, người dân cần chằng chống lại nhà cửa, kiểm tra hệ thống điện, chặt tỉa cây cối xung quanh nhà, chuẩn bị đầy đủ nước sạch, lương thực, thực phẩm thiết yếu và các thiết bị chiếu sáng, cứu hộ cần thiết.
Công an các xã đã khẩn trương bám cơ sở, phối hợp cùng chính quyền và Nhân dân tổ chức dọn dẹp, thu gom cây cối, khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra.
Hiện công tác theo dõi diễn biến thời tiết, rà soát các điểm xung yếu, đảm bảo an toàn cho người và tài sản vẫn đang được các địa phương duy trì thường xuyên. Trong thời gian mưa bão, người dân cần thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo thời tiết từ các nguồn tin chính thống, hạn chế đi lại nếu không cần thiết để tránh gặp phải tình huống nguy hiểm.
Các hộ dân phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, lực lượng công an, dân quân và các tổ chức đoàn thể trong công tác chuẩn bị phương án sơ tán, cứu nạn, cứu hộ khi có tình huống khẩn cấp. Nếu xảy ra sự cố như cây đổ, ngập lụt, hư hỏng tài sản… người dân cần kịp thời báo cáo cho chính quyền địa phương hoặc liên hệ trực tiếp với công an xã.
Chủ động, cảnh giác và phối hợp hiệu quả là những yếu tố then chốt giúp giảm thiểu thiệt hại do mưa bão gây ra. Mỗi người dân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm để bảo vệ an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng.