Vì sao ai cũng có thể bị đau cổ vai gáy, điều trị thế nào?

Đau cổ vai gáy đang trở thành một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến nhất trong xã hội hiện đại. Từ nhân viên văn phòng, tài xế, người cao tuổi cho đến người trẻ thường xuyên sử dụng điện thoại, laptop, hầu như ai cũng có thể là nạn nhân của tình trạng này.

 

Đau cổ vai gáy là tình trạng các cơ vùng cổ và vai co cứng, dẫn đến đau nhức và hạn chế vận động như quay đầu, xoay cổ hay nhấc tay. Đây là dấu hiệu thường thấy vào buổi sáng sau khi ngủ dậy, đặc biệt nếu nằm sai tư thế hoặc sử dụng gối không phù hợp.

Bác sĩ Thể thao Nguyễn Trọng Thủy, cựu Bác sĩ Đội Tuyển Quốc Gia và U23 Việt Nam, nhà sáng lập Trung tâm Y học Thể Thao Starsmec cho biết đây là một vấn đề có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân rất đơn giản như sai tư thế khi ngồi làm việc, sử dụng thiết bị điện tử trong thời gian dài mà không nghỉ ngơi, cho đến những bệnh lý phức tạp hơn như thoái hóa đốt sống cổ hoặc thoát vị đĩa đệm.

Bác sĩ Thể thao Nguyễn Trọng Thủy, cựu Bác sĩ Đội Tuyển Quốc Gia và U23 Việt Nam, nhà sáng lập Trung tâm Y học Thể Thao Starsmec

Bác sĩ cho biết thêm: “Một điều đáng lo ngại là rất nhiều người trẻ, thậm chí mới chỉ ngoài 20 tuổi cũng đã xuất hiện các dấu hiệu đau mỏi cổ vai gáy mạn tính vì dùng điện thoại liên tục với tư thế cúi gập cổ”.

Nguyên nhân đau cổ vai gáy đa dạng, triệu chứng dễ bị bỏ qua

Nguyên nhân của tình trạng này rất đa dạng. Thường gặp nhất là do căng cơ sau khi chơi thể thao, ngồi sai tư thế hoặc làm việc quá lâu không thay đổi vị trí. Một số trường hợp là do rối loạn mạch máu, tổn thương thần kinh ngoại vi, thậm chí là dấu hiệu của các bệnh lý nặng hơn như u đỉnh phổi hay nhồi máu cơ tim.

Triệu chứng điển hình là đau nhức vùng cổ gáy, đôi khi lan xuống vai và cánh tay, gây tê buốt hoặc cảm giác kiến bò, râm ran. Cơn đau có thể tăng khi thay đổi thời tiết, khi ho hoặc hắt hơi, hoặc khi đứng, đi, ngồi quá lâu.

Ai có nguy cơ cao bị đau cổ vai gáy?

Bác sĩ Thủy cho biết, các đối tượng có nguy cơ cao bao gồm nhân viên văn phòng, tài xế, người lao động nặng, người cao tuổi và cả học sinh – sinh viên thường xuyên mang balo nặng hoặc cúi đầu học bài lâu. Ngoài ra, người có dị tật bẩm sinh vùng cổ, người bị thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống cổ cũng rất dễ mắc phải tình trạng này.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy nhấn mạnh rằng điều quan trọng là phải phân biệt đúng mức độ nặng nhẹ để có phương pháp điều trị phù hợp.

“Khi bệnh ở giai đoạn sớm, người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi, tránh xoay cổ mạnh, chườm ấm hoặc chiếu đèn hồng ngoại kết hợp xoa bóp nhẹ nhàng. Tuy nhiên, nếu đau kéo dài, có cảm giác tê, yếu cơ hoặc lan xuống cánh tay, thì không nên tự điều trị ở nhà nữa, mà phải đến cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác”, bác sĩ Thủy nói.

Ở mức độ trung bình, người bệnh có thể cần dùng thêm thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ, chống viêm và vật lý trị liệu nhẹ. Còn nếu đau ở mức độ nặng, việc điều trị cần kết hợp giữa phục hồi chức năng chuyên sâu và sử dụng thuốc đặc hiệu để chống viêm và giảm đau thần kinh.

“Nhiều người có xu hướng lạm dụng thuốc dán hoặc thuốc giảm đau nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời, không điều trị được tận gốc nguyên nhân. Phục hồi chức năng là bước quan trọng để giúp cơ thể trở lại trạng thái ổn định và ngăn tái phát”, bác sĩ Thủy lưu ý.

Ảnh minh họa

Phòng bệnh đau cổ vai gáy là ưu tiên số một

Để tránh rơi vào vòng luẩn quẩn của đau – nghỉ – tái phát, cách tốt nhất là phòng ngừa từ sớm.

Theo khuyến nghị từ chuyên gia sáng lập Starsmec, mỗi người nên thiết lập một chế độ sinh hoạt khoa học, bao gồm:

Tập luyện thể dục thể thao đều đặn, lựa chọn bài tập phù hợp với sức khỏe cá nhân.

Điều chỉnh tư thế làm việc đúng cách: giữ lưng thẳng, cổ thẳng, hạn chế cúi gập cổ lâu.

Sử dụng gối nằm vừa tầm, tránh nằm gối cao quá hoặc quá cứng.

Cân bằng giữa lao động và nghỉ ngơi, đặc biệt khi làm việc liên tục trên máy tính hoặc lái xe.

Bổ sung đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là các khoáng chất tốt cho cơ xương khớp như canxi, magie, vitamin nhóm B và E.

Không ít người chủ quan khi cơn đau chỉ âm ỉ nhưng theo bác sĩ Thủy, có một số dấu hiệu cần phải đi khám ngay:

Cơn đau kéo dài trên hai tuần không thuyên giảm dù đã nghỉ ngơi.

Đau lan xuống tay, kèm theo cảm giác tê, yếu cơ, giảm lực cầm nắm.

Cơn đau tăng về đêm hoặc gây mất ngủ kéo dài.

Bác sĩ Thủy nhấn mạnh, điều trị đúng ngay từ đầu giúp bệnh nhân tránh được các biến chứng lâu dài như đau mạn tính, teo cơ hoặc giảm khả năng lao động.