Xóa bỏ tư duy biên chế suốt đời

Tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV, ngày 7-5 vừa qua, thông tin nhận được sự chú ý, quan tâm đặc biệt của cán bộ, công chức và người dân là nước ta sẽ kiên quyết loại bỏ công chức yếu kém, xóa bỏ dứt điểm tư duy biên chế suốt đời.

1. Tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV, ngày 7-5 vừa qua, thông tin nhận được sự chú ý, quan tâm đặc biệt của cán bộ, công chức và người dân là nước ta sẽ kiên quyết loại bỏ công chức yếu kém, xóa bỏ dứt điểm tư duy biên chế suốt đời.

Cụ thể, trình bày Tờ trình dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, dự án Luật sửa đổi, bổ sung các quy định để nâng cao hiệu quả đánh giá, sử dụng và sàng lọc cán bộ, công chức; bổ sung cơ chế để xóa bỏ tư duy biên chế suốt đời và nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính.

“Biên chế suốt đời” được hiểu là cách gọi những vị trí công việc phục vụ lâu dài, người lao động ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, được hưởng các chế độ về lương, phụ cấp theo quy định.

Nhìn nhận một cách khách quan, biên chế suốt đời có mặt tốt, tích cực là tạo ra sự ổn định trong tư tưởng, giúp cho đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động yên tâm làm việc, cống hiến sức lao động. Tuy nhiên, mặt trái cũng khá lớn, là tạo ra sức ỳ tâm lý, sự trì trệ trong công việc. Thực tế cho thấy, với tư duy biên chế suốt đời, một bộ phận cán bộ, công chức không lo bị thải loại nên thiếu động lực phấn đấu, không chịu sáng tạo, đổi mới, làm việc thiếu nhiệt huyết, cầm chừng, theo kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, chỉ biết đòi hỏi quyền lợi, nhiều khi còn chống đối, cản trở sự phát triển. Mặt khác, biên chế suốt đời còn gây khó khăn cho việc tinh giản biên chế và loại bỏ những người yếu kém, thiếu năng lực, cũng như thu hút, trọng dụng và giữ chân nhân tài thực sự…

Xóa bỏ tư duy biên chế suốt đời là hướng đi phù hợp với yêu cầu phát triển, bảo đảm nguyên tắc sử dụng đúng người, đúng việc, phát huy tối đa năng lực của cán bộ, công chức, đồng thời sàng lọc những trường hợp không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương, định hướng dần dần xóa bỏ biên chế suốt đời. Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ nêu rõ: Cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành theo vị trí việc làm, khung năng lực, bảo đảm đúng người, đúng việc, giảm số lượng, nâng cao chất lượng, hợp lý về cơ cấu…; có cơ chế cạnh tranh vị trí việc làm để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tiến tới bỏ chế độ “biên chế suốt đời”. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực từ ngày 1-7-2020 quy định, viên chức được tuyển dụng từ ngày 1-7-2020 trở đi, sẽ phải ký hợp đồng xác định thời hạn. Như vậy có nghĩa là những người được tuyển dụng mới phải ký hợp đồng xác định thời hạn, không còn được hưởng biên chế suốt đời.

2. Do không lo bị thải loại nên nhiều cán bộ, công chức an phận thủ thường, lười biếng, trì trệ, ỷ lại trong công việc. Công chức “có vào mà không có ra” khiến bộ máy nhà nước cồng kềnh, tốn kém và không hiệu quả!

Từ tháng 7-2020, nước ta không còn viên chức suốt đời, người tuyển dụng mới vào nhà nước chỉ có hợp đồng có thời hạn. Tuy nhiên, vào làm việc tại cơ quan nhà nước vẫn là có được một công việc ổn định theo suy nghĩ của nhiều người. Do đó, việc xóa bỏ tư duy này là hết sức quan trọng. Đây là giải pháp mang tính đột phá để nâng cao chất lượng cán bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp.

Hơn nữa, bỏ biên chế suốt đời với công chức, viên chức, chúng ta sẽ tiết giảm chi tiêu thường xuyên, đồng thời đạt mục tiêu tinh giản biên chế được đặt ra nhiều năm qua.

Với việc bổ sung cơ chế để xóa bỏ tư duy biên chế suốt đời, dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Đảng về công vụ và cán bộ, công chức; cụ thể hóa yêu cầu tinh giản biên chế theo hướng thực chất, sàng lọc, loại bỏ công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Việc làm này sẽ tạo hành lang pháp lý đồng bộ, hiện đại hóa công tác quản lý công chức theo hướng minh bạch, hiệu quả. Do đó, chúng ta cần tích cực tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đơn vị, của đội ngũ cán bộ, công chức về xóa bỏ tư duy biên chế suốt đời. Đặc biệt là cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quản lý, đánh giá và sử dụng công chức đúng năng lực, đúng vị trí việc làm…

Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực. Dự kiến, sau sắp xếp bộ máy, cấp tỉnh giảm hơn 18.440 biên chế cán bộ, công chức so với số biên chế được cấp có thẩm quyền giao năm 2022; cấp xã giảm hơn 110.780 biên chế cán bộ, công chức so với tổng số biên chế cấp huyện và cấp xã; kết thúc hoạt động của khoảng 120.500 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trong cả nước… Với quyết tâm và sự vào cuộc quyết liệt, chúng ta có thể tin tưởng công chức “có vào có ra”. Khi không còn tư duy biên chế suốt đời, công chức chắc chắn sẽ làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì công việc chung. Bộ máy nhà nước sẽ vận hành hiệu quả để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc.